Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 - 2022, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội được giao nhiệm vụ chủ trì thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Để có thêm thông tin phục vụ cho quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tổ chức Đoàn công tác để khảo sát việc thi hành một số quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ tại trụ sở Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam vào chiều ngày 24/11/2021.
Đoàn công tác gồm các cơ quan của Quốc hội, Trưởng đoàn là bà Nguyễn Thị Mai Phương – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, các cán bộ của Ủy ban Pháp luật Quốc hội, và của Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Về phía Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, đại diện là ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội và các thành viên của Hội. Ngoài ra, buổi làm việc còn có sự tham gia của bà Phạm Hồng Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ và ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ và các chuyên gia.
Tại buổi làm việc, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã báo cáo việc thực hiện các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, trong đó nêu rõ quan điểm của Hội về một số vấn đề như sau:
♦ Ủng hộ việc giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cần xem xét mối quan hệ giữa Luật SHTT với Luật Quản lý Tài sản Nhà nước để việc sửa đổi luật ở điểm này thực sự phát huy tác dụng.
♦ Ủng hộ việc bổ sung Điều 89a vào Luật SHTT, tuy nhiên, còn một số bất cập cần sự giải thích tiếp theo của cơ quan nhà nước, như khó có thể xác định được thế nào là “sáng chế thuộc lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến an ninh, quốc phòng”, chưa rõ đối với trường hợp đồng sở hữu giữa cá nhân/ tổ chức Việt Nam và cá nhân/ tổ chức nước ngoài, chưa rõ đối với trường hợp sáng chế được tạo ra tại Việt Nam bởi các công ty 100% vốn nước ngoài, với tác giả (toàn bộ hoặc một phần) là các chuyên gia nước ngoài. Đồng thời, có thể xem xét cơ chế cấp phép để chủ đơn có thể nộp đơn ra nước ngoài trước sớm hơn thời hạn 6 tháng trong một số trường hợp nhất định.
♦ Cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp của Cục SHTT cần được tiếp tục nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu minh bạch hóa thông tin theo các cam kết quốc tế. Đề xuất Cục SHTT thực hiện dịch vụ công trong việc tra cứu hoặc cung cấp thông tin theo yêu cầu của người nộp đơn.
♦ Về thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp, cần sớm hoàn thiện Quy chế xét nghiệm nhãn hiệu và đưa vào áp dụng để thống nhất thực tiễn xét nghiệm nhãn hiệu; thống nhất quan điểm về việc để người nộp đơn tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực cũng như mọi vấn đề pháp lý khác (bao gồm cả vấn đề thẩm quyền người ký) trong mọi tài liệu mà người nộp đơn nộp tới Cục SHTT, từ đó, giảm các yêu cầu về công chứng hay hợp pháp hóa lãnh sự tài liệu, cũng như yêu cầu về chức danh của người ký tài liệu trong mọi thủ tục trước Cục SHTT; cải thiện hơn nữa thời gian thẩm định đơn trong mọi thủ tục, đặc biệt là thủ tục xem xét phúc đáp của người nộp đơn đối với Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu và thủ tục khiếu nại; thống nhất quan điểm về việc bảo hộ đối tượng SHCN tại thời điểm đối tượng đó đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, tránh việc xem xét cứng nhắc đối tượng SHCN tại thời điểm nộp đơn và tiếp tục duy trì việc từ chối, mặc dù đã có những tình huống phát sinh khiến khả năng bảo hộ của đối tượng thay đổi (từ không có khả năng bảo hộ, thành có khả năng bảo hộ); đảm bảo cho người nộp đơn theo thủ tục nộp đơn quốc gia (mà được sử dụng bởi đa số người nộp đơn Việt Nam, cho các đơn của họ nộp tại Việt Nam) được hưởng điều kiện thuận lợi trong thủ tục nộp đơn và thẩm định đơn ít nhất ngang bằng với người nộp đơn nước ngoài nộp đơn vào Việt Nam theo các thủ tục quốc tế.
♦ Về dịch vụ sở hữu công nghiệp, đề nghị giữ nguyên quy định tại Điều 151.1 về định nghĩa “Dịch vụ đại diện SHCN”; ủng hộ phương án phân chia thành “Đại diện sáng chế” và “Đại diện nhãn hiệu” nhưng đề xuất áp dụng điều kiện chung cho cả hai loại đại diện này là “tốt nghiệp đại học”. Ngoài ra, Hội SHTT không đồng ý với việc bổ sung Điều 155.2a, và đề xuất cho phép luật sư được phép hoạt động Đại diện nhãn hiệu sau khi đã vượt qua kỳ thi Đại diện Nhãn hiệu do Cục SHTT tổ chức.
♦ Về giám định sở hữu trí tuệ, ủng hộ phương án sửa đổi Điều 201 để có thêm các tổ chức giám định cả về SHCN và quyền tác giả, đồng thời xem xét miễn việc kiểm tra và cấp thẻ hành nghề cho một số đối tượng.
Ngoài ra, Hội cũng nhấn mạnh một số điểm mà Luật SHTT cần sửa đổi nhằm tương thích với các cam kết của Việt Nam trong CPTPP và EVFTA như yêu cầu về việc sử dụng thực sự nhãn hiệu, coi hành vi xuất khẩu hàng hóa xâm phạm là hành vi xâm phạm quyền, và chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu vì lý do sử dụng gây nhầm lẫn. Các ý kiến đóng góp khác được tập hợp trong các Phụ lục của Báo cáo và đã được chuyển tới Ủy ban Pháp luật Quốc hội sau buổi họp.
Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Hội trong tương lai.