HỆ THỐNG PHÁP LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ



CHỦ ĐỀ 1: VẤN ĐỀ ỦY QUYỀN VÀ THỜI HẠN NỘP ỦY QUYỀN TRONG ĐẠI DIỆN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

*) Ông Nguyễn Vũ Quân, Công ty Vision & Associates:

Thực trạng hiện nay, Giấy ủy quyền (GUQ) bản gốc nếu không ký trước ngày nộp đơn (NNĐ), không bổ sung trong vòng 01 tháng kể từ NNĐ, không bổ sung trong vòng 34 tháng kể từ ngày ưu tiên sớm nhất (đơn PCT) thì đơn sẽ bị từ chối. Về góc độ pháp lý: Điều 562, BLDS 2015 quy định “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên,…” có nghĩa không có yêu cầu về hình thức ủy quyền (bao gồm cả thời điểm ký ủy quyền); Điều 107, Luật SHTT 2005 (sửa đổi 2009) quy định “Việc ủy quyền…phải được lập thành GUQ” có nghĩa là chỉ yêu cầu ủy quyền bằng văn bản, không yêu cầu về thời điểm ký GUQ; Thông báo số 1637/TB-SHTT, ngày 11/10/2007 của Cục SHTT cho rằng ủy quyền lập muộn hơn NNĐ vẫn được coi là hợp lệ, không ảnh hưởng tới NNĐ và tư cách của đại diện cho chủ đơn trong trường hợp ủy quyền hợp lệ được bổ sung sau NNĐ cũng giống như trường hợp nộp ngay tại thời điểm nộp đơn. Như vậy, dựa vào 3 nội dung trên thì không phù hợp khi yêu cầu GUQ phải ký trước NNĐ.

- Thời hạn bổ sung GUQ: Điểm 13.3, Thông tư 01 sửa đổi quy định thiếu sót của đơn trong giai đoạn thẩm định hình thức là không có GUQ hoặc ủy quyền không hợp lệ. Nếu có thiếu sót thì Cục SHTT dự định từ chối chấp nhận đơn, ấn định thời hạn 2 tháng để NNĐ sửa chữa thiếu sót (điểm 13.6(a)). Điểm 13.6, Thông tư 01 sửa đổi quy định dự định từ chối đơn, yêu cầu khắc phục là không phù hợp khi yêu cầu GUQ phải nộp trong vòng 1 tháng kể từ NNĐ. Vì vậy, NNĐ có quyền khắc phục thiếu sót theo quy định. Điểm 13.7, Thông tư 01 sửa đổi quy định “trường hợp NNĐ đã được Cục...thông báo...mà không sửa chữa thiếu sót...trong thời hạn ấn định, Cục SHTT ra Quyết định từ chối chấp nhận đơn...” được hiểu là Cục SHTT chỉ ra Quyết định từ chối đơn (trong giai đoạn hình thức) nếu chủ đơn không sửa chữa thiếu sót (trong thời gian 2 tháng sau khi Cục ra Thông báo thiếu sót hình thức).. Như vậy, quy định trên là không phù hợp nếu không cho chủ đơn bổ sung GUQ và phải có các giải trình về các trở ngại khách quan do không nộp được GUQ đúng thời hạn. Việc Cục SHTT chấp nhận GUQ có ngày ký sau NNĐ Việt Nam hoặc ban hành Thông báo thiếu sót hình thức nếu GUQ nộp muộn, cho phép NNĐ khắc phục thiếu sót là phù hợp với các quy định nêu trên. Hiên nay, trên thế giới đã có một số nước như Trung Quốc, WIPO chỉ cần cung cấp bản sao GUQ (không cần phải nộp bản gốc); các nước như Canada, Nhật Bản, Malaysia không cần cung cấp GUQ. Tôi xin kiến nghị Cục SHTT không yêu cầu GUQ phải có ngày ký trước NNĐ Việt Nam, cho phép NNĐ khắc phục thiếu sót liên quan tới GUQ trong vòng 02 tháng kể từ ngày Cục SHTT thông báo cho phù hợp với quy định của BLDS, Luật SHTT và thực tế.

*) Bà Trần Nguyệt Minh, Phòng Pháp chế Chính sách NOIP:

Ông Quân có đề cập 3 căn cứ pháp lý liên quan đến GUQ (Điều 562(BLDS 2015); Điều 107 (Luật SHTT 2005, sửa đổi 2009), Thông báo 1637/2007 của Cục có quy định thời điểm lập và nộp GUQ được cho là bất hợp lý. Tôi xin có ý kiến như sau:

Theo BLDS, hợp đồng ủy quyền là hợp đồng dân sự. Điều 401, BLDS quy định hợp đồng dân sự hợp pháp và có hiệu lực từ thời điểm giao kết trừ trường hợp có thỏa thuận khác, có nghĩa rằng sự thỏa thuận về mặt dân sự là tối cao.

Ông Quân nói Điều 107 không đề cập đến thời điểm GUQ là không chính xác. Tại khoản 2 Điểm b) Điều 107 quy định trong GUQ có ngày lập GUQ.

Điểm 2.3 TB 1637 thời điểm lập GUQ có quy định là GUQ được lập muộn hơn với ngày nộp đơn với điều kiện phải được nộp bổ sung trong vòng 1 tháng kể từ NNĐ, riêng đối với đơn khiếu nại thì thời hạn là 10 ngày.

Như vậy theo quy định của Điều 4.3 Thông tư 16, có thể hiểu là tại thời điểm nộp đơn không bắt buộc nộp GUQ nhằm tạo điều kiện cho Người nộp đơn/Tổ chức đại diện nộp đơn SHCN cho khách hàng để lấy ngày ưu tiên (có thể thỏa thuận ủy quyền bằng miệng). Về nguyên tắc, sau khi có thỏa thuận thì 2 bên phải có văn bản chứng minh việc ủy quyền đó. Quy định có thể bổ sung GUQ sau ngày nộp đơn nhưng không được quá 1 tháng là phù hợp với thời hạn thẩm định hình thức. Như vậy, sau khi kết thúc thẩm định hình thức 1 tháng, đơn không có thiếu sót thì Cục sẽ ra quyết định đơn hợp lệ hay không hợp lệ. Vì vậy, thời hạn 1 tháng là phù hợp với thời hạn thẩm định hình thức đơn. Thời điểm bắt đầu có hiệu lực của công việc ủy quyền được xác định theo thời điểm lập GUQ, tức là không muộn hơn ngày nộp đơn đăng ký SHCN trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa chủ đơn và người được ủy quyền trong GUQ. Quy định này phù hợp với Điều 141 và Điều 401 của BLDS, có nghĩa GUQ phải được lập sớm hơn hoặc bằng NNĐ trừ trường hợp có thỏa thuận khác. GUQ có thể được lập hoặc ký muộn hơn so với NNĐ nhưng phải chỉ định cho việc đã thực hiện trước đó. Trong vòng 1 tháng không có GUQ hoặc GUQ không hợp lệ thì Cục sẽ ra thông báo thiếu sót theo quy định tại Điều 13.3 và thiếu sót này có thể được khắc phục.

*) Ông Nguyễn Phương Minh, Phó Phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại NOIP: Liên quan đến thời hạn ủy quyền được xác định từ thời hạn ghi trong GUQ. Tuy nhiên, để kịp nộp đúng thời hiệu khiếu nại, các tổ chức đại diện phải thực hiện theo thư lệnh của khách hàng,  thời hạn trên GUQ có thể không khớp với ngày nộp đơn khiếu nại. Khi nhận đơn khiếu nại, Cục có thời hạn 10 ngày để thụ lý đơn khiếu nại. Trong trường hợp phải ra Tòa thì có một số thủ tục khác của một số nước khác liên quan đến đơn có yếu tố nước ngoài, Tòa sẽ yêu cầu GUQ phải được hợp pháp hóa lãnh sự (NĐ 111/2011). Quy định này thì chưa đề cập trong Thông tư 16.

*) Ông Chu Văn Quyến, VIPA: Tính chất của GUQ không phải là hợp đồng theo luật dân sự. Vì thông thường GUQ được ủy quyền cho rất nhiều công việc và bản chất là chứng minh người được giao nhiệm vụ được thay mặt tôi. Việc ủy quyền có thể được thỏa thuận từ trước nhưng sau mới lập GUQ. Tôi cho rằng việc lập hay không lập GUQ, thời điểm ký GUQ vào lúc nào (trước hay sau), phải xem GUQ được lập để làm gì thì sẽ tìm ra cách để xử lý.

*) Ông Nguyễn Văn Bảy, Trường phòng Pháp chế Chính sách NOIP: Tôi chỉ đề cập đến việc GUQ được nộp sau 1 tháng quy định thì có được xem xét hay không? GUQ làm trước hay sau nhưng phải đề cập nội dung công việc được ủy quyền. GUQ nộp sau phải chỉ định nội dung đã làm từ trước đó. Cục có thể phải xem xét theo hướng có cho phép bổ sung GUQ sau 1 tháng quy định hay không?

*) Ông Ngô Việt Thắng, Trưởng phòng Nhãn hiệu 2 NOIP: Có trường hợp đơn nộp 1 tháng nhưng 10 tháng sau mới bổ sung GUQ thì sẽ có điều gì xảy ra? Như vậy, đơn sẽ chưa hợp lệ và chưa công bố được và sẽ có nhiều vấn đề như muốn phản đối,v.v...đều không thể làm được. Trường hợp có đơn đến hạn phải xử lý thì có lấy đơn chưa hợp lệ đó ra xem xét làm đối chứng hay không? Về nguyên tắc, chúng tôi không quan trọng GUQ là bản gốc hay bản sao mà chỉ cần thư lệnh, nhưng theo quy định yêu cầu phải nộp GUQ bản gốc.

*) Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIPA: Chúng ta sẽ cố gắng giải quyết các vấn đề nêu trên trên cơ sở các văn bản pháp luật đã có. Đề xuất: nếu văn bản đó chưa xử lý được thì đề xuất giải quyết như thế nào? GUQ lập sau phải chỉ định công việc đã làm từ trước đó. GUQ không nhất thiết phải ký tại thời điểm nộp đơn. Tuy nhiên, việc lấy GUQ back date rất mất thời gian nên với 1 tháng không đủ. Đề xuất của Hội và các tổ chức đại diện về cách xử lý như sau: Để tạo điều kiện cho người nộp đơn, GUQ chỉ định tổ chức nộp đơn tại Việt Nam có thể được sử dụng cho đơn đã nộp trước đó, không nhất thiết phải chỉ rõ số đơn. Trong vòng 1 tháng nếu người nộp đơn không bổ sung GUQ thì Cục có thể ra thông báo thiếu sót và đề nghị người nộp đơn nộp bổ sung GUQ gốc trong vòng 2 tháng giống như quy định về thẩm định hình thức đối với đơn được quy định trong Thông tư và có thể thu phí.

*) Ông Phạm Vũ Khánh Toàn, VPLS Phạm và Liên Danh: Tôi nghĩ chúng ta cố gắng giải quyết các vấn đề trong khuôn khổ pháp luật. Các tổ chức đại diện nên chủ động sửa form GUQ. Đề xuất sửa Thông tư 16, tốt nhất nên bỏ yêu cầu về GUQ. GUQ chỉ xảy ra khi người được ủy quyền gây tác hại cho người ủy quyền. Một số nước đã bỏ quy định về yêu cầu có GUQ.

*) Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng NOIP: Cục SHTT luôn muốn tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật cho phép. GUQ hiện nay đang chịu tác động bởi quy định của BLDS chứ Luật SHTT không có quy định về GUQ. Theo quy định hiện nay phải có GUQ. Hiện nay, GUQ có 2 loại là GUQ chung và GUQ riêng. Theo quy định của BLDS cho phép lập GUQ sau ngày nộp đơn nhưng phải chỉ định công việc đã làm trước đó (số đơn, tên đối tượng,...). Theo quy định, trong vòng 1 tháng mà GUQ nộp không hợp lệ hoặc thiếu thì Cục sẽ từ chối đơn để tránh ảnh hưởng đến việc xử lý những đơn sau. Vấn đề xử lý GUQ ký sau ngày nộp đơn nhưng chỉ định công việc đã làm trước đó và GUQ nộp muộn, Cục sẽ xin ý kiến của Cục trưởng và thảo luận với các đơn vị trong Cục và sẽ thông báo lại cho Hội sau. Cục đề nghị Hội tìm ra các căn cứ pháp lý và cung cấp các trường hợp đã xử lý tại Tòa án về GUQ để làm tư liệu tham khảo.

CHỦ ĐỀ 2: CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỂ TỪ CHỐI ĐƠN ĐĂNG KÝ DỰ TRÊN ĐỘNG CƠ KHÔNG TRUNG THỰC (BAD FAITH) VÀ BẰNG CHỨNG CHỨNG MINH CHO ĐỘNG CƠ KHÔNG TRUNG THỰC KHI NỘP ĐƠN ĐĂNG KÝ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

*) Bà Lê Thị Oanh, VPLS A Hòa: Bất kể tổ chức, cá nhân nào sáng tạo ra hoặc được sở hữu các đối tượng sáng chế, kiểu dáng CN, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu đều có quyền nộp đơn đăng ký những đối tượng này tại Cục SHTT để được cấp văn bằng bảo hộ.

Căn cứ vào các quy định sau:

Điều 100 Luật SHTT quy định về tài liệu đơn đăng ký sở hữu công nghiệp;

Điểm 5.1 Thông tư 01/2007 Người nộp đơn có trách nhiệm bảo đảm sự trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp cho Cục Sở hữu trí tuệ;

Điều 112 và Điều 96 Luật SHTT qui định về phản đổi đơn hoặc đề nghị hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ SHCN liên quan đến quyền đăng ký, trong đó có nội dung phải cung cấp bằng chứng chứng minh cho động cơ không trung thực (bằng chứng trực tiếp hoặc gián tiếp).

Có nghĩa bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi thực hiện phản đối đơn hoặc đề nghị hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ cần cung cấp bằng chứng chứng minh thông tin về người nộp đơn SHCN kê khai với Cục SHTT không đúng và người nộp đơn đã vi phạm cam kết của họ về đối tượng SHCN nộp đến Cục SHTT, họ đã có động cơ lừa dối Cục SHTT (hay còn gọi là họ có động cơ không trung thực khi nộp đơn đăng ký SHCN). Tuy nhiên, thực tế các băng chứng chứng minh cho động cơ không trung thực liên quan đến người nộp đơn hiện chưa có bất kỳ quy định nào trong các văn bản pháp luật SHTT. Hoạt động đại diện SHCN liên quan đến chứng minh động cơ không trung thực rất cần có sự hướng dẫn cụ thể của Cục SHTT nhằm giảm bớt thời gian cũng như công sức không chỉ của đại diện SHCN mà của các cán bộ Cục SHTT.

Luật quy định thời hạn để nộp phản đối đơn và đề nghị hủy bỏ hiệu lực văn bằng như sau:

Đối với đơn đăng ký SHCN: thời hạn được tính từ ngày đơn đăng ký SHCN được công bố trên công báo SHCN đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng.

Đối với đề nghị hủy bỏ văn bằng: trong suốt thời hạn hiệu lực của văn bằng.

*) Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng NOIP: Theo quy định, dấu hiệu không trung thực chỉ là một trong những lý do để từ chối đơn. Điều 6, Thông ty 01 quy định về xử lý quyền của người nộp đơn. Cục sẽ nhận bằng chứng của người thứ 3 và gửi cho người nộp đơn. Sau đó Cục lại nhận tiếp thông tin xác đáng khác. Trong nhiều trường hợp Cục không đủ thẩm quyền, năng lực để kết luận và tạm dừng xử lý đơn. Khi không có đủ căn cứ để xử lý đơn thì Cục sẽ đưa vụ việc ra Tòa. Sau khi có kết luận của Tòa án, Cục sẽ tiếp tục xử lý đơn đó.

*) Ông Phạm Vũ Khánh Toàn, VPLS Phạm và Liên Danh: Nếu đề cập đến việc không trung thực liên quan đến tài liệu như là tờ khai, GUQ, tài liệu chứng minh quyền đăng ký, tài liệu chứng minh quyền ưu tiên,...  thì không có vấn đề gì khó khăn. Nếu đề cập đến việc không trung thực liên quan đến quyền đăng ký thì cũng không có vấn đề gì khó khăn. Vì theo quy định người có hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp có quyền nộp đơn. Điều chúng ta quan tâm là doanh nghiệp A đang lưu thông sản phẩm/dịch vụ trên thị trường và đã có khách hàng thì có doanh nghiệp B biết doanh nghiệp A và nộp đơn xin đăng ký. Theo quy định, doanh nghiệp A có quyền nộp đơn vì họ kinh doanh hợp pháp. Họ nộp đơn nhằm để cạnh tranh không lành mạnh, cấm hoặc loại bỏ doanh nghiệp A ra khỏi thị trường. Vậy đây có phải là trường hợp bad faith không? Có trường hợp chiếm đoạt tài sản của người khác như lấy bản quyền của người khác mang đi đăng ký nhãn hiệu cho mình. Trong luật không có cơ sở pháp lý để từ chối đơn/hủy bỏ hiệu lực văn bằng đã cấp vì lý do bad faith.

*) Ông Nguyễn Văn Bảy, Trường phòng Pháp chế Chính sách NOIP: Trong trường hợp biết có người đang sử dụng nhãn hiệu rồi nhưng vẫn mang đi đăng ký. Như vậy sẽ vô hiệu hóa nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, họ vẫn có thể được chấp nhận bảo hộ NH nhưng phải tới mức NH được sử dụng rộng rãi.

*) Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIPA: Hội đề xuất Cục ra hướng dẫn cụ thể để xử lý tình huống bad faith trong thực tế vì trong một số quy định cũ đã có hướng dẫn cụ thể trong một số trường hợp. Do không có một hướng dẫn cụ thể nên các phòng ban có thể xử lý theo cách khác nhau khi có khiếu nại hoặc tranh chấp về bad faith.

*) Ông Phạm Vũ Khánh Toàn, VPLS Phạm và Liên Danh: Theo Thông tư 437 trước đây quy định quyền nộp đơn bao gồm: người có hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp; người không có hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp nhưng được người có hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp cho phép đăng ký NH đó cho sản phẩm/dịch vụ mà mình phân phối; có người biết hoặc không thể không biết đã có người khác sử dụng nhãn hiệu. Theo quy định hiện nay, quyền nộp đơn thuộc về người có hoạt động sản xuất/kinh doanh hợp pháp. Đề xuất: người nộp đơn chỉ có thể nộp đơn trong những trường hợp như qui định tại Thông tư 437 trước đây.

*) Ông Ngô Việt Thắng, Trưởng phòng Nhãn hiệu 2 NOIP: Luật cho phép các cá nhân/tổ chức đăng ký NH dù không hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp. Việc xem xét trung thực liên quan đến tranh chấp của 2 bên rất khó, theo tôi là chúng ta có tài sản thì chúng ta phải tự bảo vệ tài sản của mình. Việc xem xét có trung thực hay không thì để các bên có ý kiến hoặc do Tòa quyết định.

*) Ông Hoàng Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Nhãn hiệu 1 NOIP: Thực tế việc phản đối đơn với lý do không trung thực xảy ra rất nhiều nhưng lại không có đầy đủ căn cứ pháp lý. Nếu liên quan đến quyền nộp đơn thì dễ xử lý. Hiện nay hướng xử lý của chúng tôi chủ yếu là ra Tòa.

*) Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng NOIP: Luật không quy định về bad faith mà chỉ đề cập liên quan đến quyền nộp đơn và phải chứng minh khi muốn phản đối đơn/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ. Ví dụ như quyền nộp đơn trong trường hợp bắt buộc phải biết hoặc không thể không biết (hợp đồng lao động, gia công sản phẩm....). Việc xử lý tại Tòa phụ thuộc vào bằng chứng chứng minh xác đáng đến đâu. Vấn đề bad faith nếu cần phải xử lý nên để thảo luận thêm tại buổi tọa đàm tiếp theo.

CHỦ ĐỀ 3: KIỂM SOÁT AN NINH ĐỐI VỚI SÁNG CHẾ KHI ĐĂNG KÝ RA NƯỚC NGOÀI

*) Bà Hoàng Vân Anh, Công ty Luật IP MAX: Khoản 2 Điều 23 của Nghị định 103/2006/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 22/2010-NĐ-CP) có quy định “Sáng chế của tổ chức, cá nhân Việt Nam và sáng chế được tạo ra tại Việt Nam...”. Điểm 13.2 h) Thông tư 16/2016/TT-BKHCN bổ sung quy định về trường hợp kiểm soát an ninh đối với sáng chế. Quy định của Nghị định còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng, mơ hồ, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau như sáng chế nào sẽ được coi là “của tổ chức, cá nhân Việt Nam”cụ thể với các trường hợp nếu sáng chế thuộc sở hữu chung của tổ chức và cá nhân Việt Nam với cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài hoặc một tác giả sáng chế là công dân Việt Nam nhưng là người lao động tại một công ty nước ngoài như Nhật Bản, tạo ra tại Nhật Bản sáng chế theo nhiệm vụ được giao theo hợp động với công ty đó hoặc sáng chế được đồng tác giả tạo ra giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài thì giải quyết như thế nào. Sáng chế như thế nào thì được coi là “sáng chế được tạo ra tại Việt Nam”, cụ thể, sáng chế của công ty nước ngoài (có trung tâm R&D tại Việt Nam, được tạo ra tại Việt Nam) nhưng của công ty nước ngoài đó (tác giả cũng là người nước ngoài); Sáng chế được nghiên cứu, thử nghiệm ở nước ngoài, viết tại Việt Nam; Ý tưởng, giải pháp được viết và thử nghiệm tại nước ngoài, phần còn lại được tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm, hoàn thiện tại Việt Nam; Sáng chế có hai đồng tác giả, một người ở Việt Nam và một người ở nước ngoài. Theo quy định nếu sáng chế chỉ cần thuộc 1 trong 2 trường hợp đặt ra sẽ đều phải áp dụng kiểm soát an ninh sáng chế.  Như vậy, nếu áp dụng các quy định trên thì sẽ làm phát sinh nhiều khó khăn, hạn chế bất lợp lý quyền lợi của chủ sáng chế trong nước và hạn chế đầu tư phát triển khoa học công nghiệ từ nước ngoài. Vì vậy, tôi cho rằng nhà nước cần phải bổ sung, làm rõ và hoàn thiện các quy định đề ra tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp đơn. Tôi xin đề xuất một số kiến nghị như sau: Sáng chế thuộc diện kiểm soát an ninh sáng chế chỉ giới hạn ở các sáng chế được tạo ra tại Việt Nam và thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam (nghĩa là chủ thể có quyền nộp đơn) đối với sáng chế đó. Ngoài ra, tôi nghĩ nếu thích hợp nên áp dụng quy định về thủ tục rút gọn, cho phép chủ sáng chế được yêu cầu cấp phép nộp đơn ra nước ngoài (mà không phải nộp tại Việt Nam và đợi đến 6 tháng sau) như quy định của một số nước như Singapore, Mỹ.

*) Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng NOIP: Cần làm rõ “Sáng chế của cá nhân/tổ chức Việt Nam và được tạo ra tại Việt Nam” là như thế nào?

*) Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng NOIP: Luật đặt ra nhằm phòng ngừa và bảo vệ lợi ích quốc gia nhưng quy định hiện nay về thuật ngữ sáng chế chưa được rõ ràng, cụ thể. Những quy định trên sẽ gây ra vướng mắc đối với cá nhân VN làm ở nước ngoài, cá nhân VN làm ở tổ chức nước ngoài nhưng quyền nộp đơn thuộc tổ chức nước ngoài. Cục đang xin ý kiến của Bộ KHCN về vấn đề này.

Về kiến nghị rút gọn thủ tục: Theo Nghị định 122 quy định biện pháp có thể kiểm soát là nếu cá nhân nộp đơn ở nước ngoài thì khi về VN không được nộp đơn nữa. Nếu quan điểm của chúng ta đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên và không quan tâm đến lợi ích của quốc gia thì Chính phủ có thể phải thay đổi. Nếu quan điểm của chúng ta đặt lợi ích quốc gia lên trên để đảm bảo kiểm soát an ninh thì việc nộp ra nước ngoài mà không nộp ở VN thuộc trách nhiệm công dân. Khi người nộp đơn nộp đơn ra nước ngoài mà có bí mật liên quan đến an ninh quốc gia thì người nộp đơn phải chịu trách nhiệm trước nhà nước. Liên quan đến thủ tục rút gọn thì người nộp đơn nên nộp ở VN để lấy quyền ưu tiên (12 tháng). Sau khi Cục xem xét đơn không có yếu tố liên quan đến bí mật quốc gia thì người nộp đơn có thể nộp đơn ngay ra nước ngoài. Cục sẽ xin ý kiến lãnh đạo Bộ để đưa ra hướng dẫn rõ ràng, cụ thể cho người nộp đơn.

 *) Ông Chu Văn Quyến, VIPA: Việc kiểm soát an ninh chỉ có ý nghĩa là cấm sáng chế do VN tạo ra mà mang đi đăng ký ở nước ngoài.

*) Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIPA: Luật nước nào cũng bảo hộ sáng chế để kiểm soát an ninh. Hiện nay VN chưa có trường hợp nào liên quan đến vấn đề này nhưng khách hàng nước ngoài đặc biệt là có chi nhánh tại VN rất quan tâm. Chữ “của” được hiểu như thế nào? Nếu giải thích chỉ ở mức mất quyền nộp đơn ở VN thì là trường hợp nhẹ nhất. Nếu chỉ mất quyền nộp đơn ở VN sẽ có tai hại về kinh tế nhưng sẽ có rủi ro trong trường hợp nếu nộp đơn ra nước ngoài mà sau đó mới phát hiện ra đó là sáng chế mật nằm trong danh mục mật quốc gia thì sẽ vi phạm về hình sự và chịu chế tài hình sự. Đề nghị Cục nên có giải pháp để giải quyết vấn đề này.

*) Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng NOIP: Kiểm soát an ninh là thẩm quyền quốc gia, chỉ có thủ tục thực hiện như thế nào thì nhà nước sẽ có hướng dẫn cụ thể. Hiện nay, Nhà nước yêu cầu trong vòng 6 tháng phải thực hiện. Các tổ chức nên tư vấn người nộp đơn nếu không muốn đăng ký tại VN thì không cần quan tâm đến quy định này trừ trường hợp đăng ký sáng chế mật ra nước ngoài, còn nếu muốn nộp tại VN để hưởng ngày ưu tiên rồi sau này nộp ra nước ngoài. Trường hợp nếu người nộp đơn có yếu tố nước ngoài và tạo ra tại VN thì xử lý như thế nào? Ví dụ như việt kiều Mỹ nếu nộp tại Mỹ hoặc nộp tại VN thì sẽ chịu chế tài của cả 2 nước.

CHỦ ĐỀ 4: TỪ CHỐI ĐƠN ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU DỰA TRÊN NHÃN HIỆU ĐỐI CHỨNG ĐÃ HẾT HẠN VÀ KHÔNG ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG 5 NĂM

*) Ông Lê Quang Vinh, Công ty Bross và Cộng sự: Theo quy định tại Điểm 74.2.h) Thông tư 16/2016 thì dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng theo quy định tại Điểm d) Khoản 1 Điều 95 của Luật SHTT. Trên thực tế, Cục SHTT sẽ từ chối đơn nhãn hiệu của người nộp đơn sau nếu xét nghiệm nội dung chưa quá thời điểm 5 năm hoặc rơi đúng/vượt ngoài thời điểm 5 năm hoặc từ chối hết bất kể nhãn hiệu được nộp lại trong 5 năm và nhãn hiệu bị phản đối bởi chủ sở hữu đã hết hạn, người thứ 3. Tôi xin đưa ra 3 tình huống giả định như sau:

Tình huống 1: Nhãn hiệu X đã được cấp cho chủ sở hữu A và hết hiệu lực. Năm thứ 2 sau khi nhãn hiệu X hết hiệu lực có chủ đơn B nộp đơn X’ vào Cục SHTT. Năm thứ 3 Cục SHTT hoàn tất thẩm định nội dung và sẽ từ chối cấp văn bằng theo điều 74.2 h).

Tình huống 2: Nhãn hiệu X đã được cấp cho chủ sở hữu A và hết hiệu lực. Năm thứ 3 sau khi nhãn hiệu X hết hiệu lực có chủ đơn B nộp đơn X’ vào Cục SHTT. Năm thứ 5 Cục SHTT hoàn tất thẩm định nội dung và sẽ có 2 kết quả xảy ra: 1. Cục SHTT có thể từ chối bảo hộ nhãn hiệu X’ ngay cả khi có bằng chứng không sử dụng và không có phản đối (khuynh hướng hiện tại); 2. Cục SHTT sẽ bảo hộ nhãn hiệu X’ nếu có bằng chứng không sử dụng (thực tiễn trước đây).

Tình huống 3:  Nhãn hiệu X đã được cấp cho chủ sở hữu A và hết hiệu lực. Năm thứ 2 sau khi nhãn hiệu X hết hiệu lực có chủ đơn B nộp đơn X’ vào Cục SHTT. Năm thứ 4 chủ đơn A nộp lại nhãn hiệu X. Năm thứ 6 Cục SHTT hoàn tất thẩm định nội dung và sẽ gây ra tranh cãi sau: 1. Cục sẽ cấp bảo hộ đơn X’ vì X đã hết thời hạn 5 năm; 2. Cục sẽ cấp bảo hộ đơn mới X vì A được bảo lưu quyền ưu tiên.

Dựa vào các tình huống giả định trên, nếu chủ sở hữu A chứng minh goodwill như dựa vào trí nhớ/sự tín nhiệm/mối liên hệ giữa người tiêu dùng và sản phẩm gắn với nhãn hiệu thì sẽ xảy ra 2 vấn đề: 1. Sẽ ảnh hưởng đáng kể nếu NH được áp dụng theo quy định của Điều 74.2.g) về NH được sử dụng và thừa nhận rộng rãi, 2. Sẽ ảnh hưởng không đáng kể nếu áp dụng quy tắc first to file và first to use. Tuy nhiên, nếu chủ sở hữu NH không chứng minh goowill như không sử dụng, không gia hạn và không hiện diện dưới bất cứ hình thức nào thì liệu chủ NH có được hưởng quyền ưu tiên với đơn nộp lại trong vòng 5 năm sau khi hết hiệu lực hay không và dựa vào căn cứ pháp lý nào? Tôi xin đề xuất ý kiến sau:

1. Trong 5 năm từ khi nhãn hiệu X hết hạn nếu chủ đơn B có báo cáo điều tra về việc không sử dụng NH thì Cục SHTT sẽ cấp bảo hộ cho X’ của B.

2. Trong 5 năm từ khi nhãn hiệu hết hạn mà có phản đối của chủ sở hữu A hoặc người thứ 3 (C) theo Điều 74.2.g) và/hoặc Điều 74.2.h) thì Cục SHTT sẽ từ chối bảo hộ NH X’ chỉ khi Điều 74.2.g) được chứng minh thành công.

3. Trong 5 năm từ khi nhãn hiệu hết hạn mà chủ sở hữu A nộp lại đơn nhãn hiệu X thì Cục SHTT sẽ gửi thông báo cho A về tình trạng nộp đơn của B và sẽ có 2 trường hợp xảy ra: Nếu chủ sở hữu A không có ý kiến thì Cục SHTT sẽ cấp bảo hộ nhãn hiệu X’ cho B. Nếu A/C nộp phản đối trong thời hạn thông báo và phải chứng minh goodwill nhãn hiệu đạt được ngưỡng NH được sử dụng và thừa nhận rộng rãi thì Cục SHTT sẽ từ chối bảo hộ NH X’ của B và cấp X cho A.  

*) Ông Hoàng Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Nhãn hiệu 1 NOIP: Trường hợp 1 NH không sử dụng chưa quá 5 năm thì tài liệu chứng minh là gì? Hiện nay tài liệu chứng minh thường là điều tra thị trường của một số tạp chí như của Bộ Công thương, Tạp chí tài chính. Nhưng tài liệu có cơ sở pháp lý để chứng minh thì chưa có. Vì vậy, chúng ta nên thống nhất tài liệu nào có thể chứng minh và cách hiểu của vấn đề này nhằm mục đích để người tiêu dùng quên đi NH đó hay là bảo lưu quyền nộp đơn của chủ cũ?

*) Ông Ngô Việt Thắng, Trưởng phòng Nhãn hiệu 2 NOIP: Hiện nay phòng NH đều giải quyết theo quy định tại Điều 74.2.h). Người nộp đơn sau không thể thực hiện thủ tục chấm dứt NH do 5 năm không sử dụng vì tại thời điểm đó NH đề nghị đã hết hiệu lực. Tài liệu chứng minh hiện nay là các báo cáo của Bộ Công thương, Tạp chí Tài chính. Vậy, tại sao phải căn cứ vào các tài liệu đó để chứng minh 5 năm không sử dụng, vì không ai bắt chủ văn bằng phải quảng cáo trên các tờ báo công bố. Chủ văn bằng có thể quên không gia hạn và đã có người nộp đơn nộp đơn trong thời hạn vẫn còn 5 năm. Cục cần có căn cứ chắc chắn về vấn đề này. Nếu văn bằng NH còn hiệu lực thì phòng khiếu nại sẽ gửi cho chủ văn bằng, nếu chủ văn bằng không trả lời nghĩa là chấp nhận. Theo quan điểm cá nhân tôi thì quyền ưu tiên vẫn thuộc về chủ văn bằng NH đã hết hiệu lực. Vậy chúng ta cần tìm ra giải pháp để xác định xem thời gian nào là cần thiết để xử lý vấn đề trên.

*) Ông Nguyễn Văn Bảy, Trường phòng Pháp chế Chính sách NOIP: Điều 95 quy định một số căn cứ chấm dứt hiệu lực văn bằng trước thời hạn như chủ văn bằng không gia hạn, 5 năm liên tục không sử dụng NH, chủ văn bằng chết mà không có người thừa kế.  Trường hợp văn bằng NH hết hiệu lực do chủ văn bằng không gia hạn thì trong vòng 5 năm tiếp theo mà có người nộp đơn nộp đơn mới thì sẽ đều bị từ chối. Nếu trường hợp văn bằng NH đã hết hiệu lực do không gia hạn, vậy làm thế nào để chấm dứt hiệu lực?

*) Ông Nguyễn Trần Tuyên, Công ty Luật TNHH Elite: Theo tôi 5 năm không sử dụng NH là một trong nguyên nhân gây tồn đọng đơn của Cục. Vậy Cục nên xem xét 5 năm có cần thiết không trong thời đại ngày nay. Đề nghị Cục tạo điều kiện cho tổ chức đại diện vận dụng điều tra thực tế và cam kết chấp nhận mọi quyết định của Cục để cấp cho người nộp đơn sau. Tôi cho rằng quan điểm vẫn dành quyền ưu tiên cho chủ văn bằng cũ của ông Thắng không nằm trong quy định của pháp luật.

*) Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIPA: Xử lý như thế nào trong trường hợp NH đã hết hiệu lực và làm thế nào để chứng minh 5 năm kể từ ngày nộp đơn họ không sử dụng? Liệu có cơ chế nào để người nộp đơn sau chứng minh hay không? Hội xin đề xuất như sau:

- Khi nhận được tài liệu chứng minh, Cục sẽ có công văn gửi cho chủ văn bằng cũ và yêu cầu trả lời, nếu chủ văn bằng cũ không trả lời thì Cục sẽ cấp cho đơn sau.

- Cục xem xét đơn dựa trên ngày nộp đơn hay ngày xét nghiệm đơn.

- Trong trường hợp giữ quyền ưu tiên cho chủ văn bằng cũ: có thể xử lý bằng cách yêu cầu chủ văn bằng cũ phải chứng minh NH đã được sử dụng rộng rãi và không gây nhầm lẫn đối với thị trường.

*) Ông Nguyễn Văn Bảy, Trường phòng Pháp chế Chính sách NOIP: Trong vòng 5 năm kể từ khi văn bằng hết hiệu lực mà có người khác nộp đơn thì tất cả đơn đều bị từ chối. 5 năm trước khi hết hạn mà chủ văn bằng không sử dụng nữa thì người khác có quyền nộp đơn yêu cầu chấm dứt hiệu lực trước thời hạn.

*) Ông Lê Đăng Thọ, Công ty Việt Nam IP: Theo tôi nghĩa vụ chứng minh không sử dụng 5 năm phải thuộc nghĩa vụ của chủ văn bằng cũ.

*) Ông Phạm Vũ Khánh Toàn, VPLS Phạm và Liên Danh: Thời hạn 5 năm nhấn mạnh bảo vệ người tiêu dùng. Quy định 5 năm sau mới được cấp cho người khác là Cục đã vận dụng đúng tinh thần luật. Ngăn ngừa người tiêu dùng nhầm lẫn Cục sẽ bác bỏ tất cả các đơn khác, như vậy chỉ 1 mình chủ văn bằng cũ mới được xem xét. Người nộp đơn sau cần chứng minh 5 năm chủ văn bằng cũ không sử dụng và Cục nên hỏi ý kiến chủ văn bằng cũ có sử dụng hay không và có muốn nộp đơn lại hay không?

*) Ông Nguyễn Văn Bảy, Trường phòng Pháp chế Chính sách NOIP: Cục xem xét đơn dựa trên ngày nộp đơn.

 *) Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng NOIP: Cục xem xét đơn dựa trên ngày nộp đơn.

- Ngoài 5 năm để người tiêu dùng quên thì sẽ áp dụng nguyên tắc first to file.

- Tài liệu chứng minh không sử dụng (báo cáo của Bộ Công thương) là cơ sở để hỏi chủ văn bằng và yêu cầu chứng minh. Cục sẽ gửi các bằng chứng cho chủ văn bằng.

NHỮNG NỘI DUNG TRAO ĐỔI GIỮA HỘI SỞ HỮU TRÍ TUỆ VIỆT NAM VÀ CỤC SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ KHI ÁP DỤNG THÔNG TƯ SỐ 16/2016/TT-BKHCN:

*) Xử lý tình tiết mới:

- Khi đơn còn đang trong quá trình trao đổi, Cục đưa ra các yêu cầu người nộp đơn phải đáp ứng mà người nộp đơn không trả lời hoặc không cung cấp tình tiết mới dẫn tới Cục ra quyết định từ chối. Sau khi Cục ra quyết định từ chối, ở giai đoạn khiếu nại người nộp đơn mới cung cấp tình tiết mới thì Cục sẽ không chấp nhận tình tiết mới đó.

- Cục xem xét tình tiết mới chỉ trong trường hợp bất khả kháng (Cục làm thất lạc tài liệu) thì mới được xem xét lại.

- Trong trường hợp Cục cho rằng 2 nhãn hiệu là tương tự mà người nộp đơn cho rằng 2 NH là không tương tự, người nộp đơn có thể đàm phán để có thư đồng ý. Cục sẽ cho người nộp đơn 6 tháng để trả lời. Nếu 6 tháng sau chưa có thư đồng ý thì người nộp đơn phải có công văn trình bày lý do (có thể đang trong quá trình đàm phán) và Cục sẽ chấp thuận chờ người nộp đơn bổ sung thư đồng ý trừ trường hợp bị thúc ép xử lý đơn.

*) Hạn chế quyền khiếu nại của người nộp đơn, thời hạn giải quyết khiếu nại tại Cục SHTT

Thực tế: Nếu người nộp đơn không trả lời kết quả thẩm định nội dung thì không được quyền khiếu nại sau đó

Theo quy định: Quyền khiếu nại là quyền được Hiến pháp công nhận.

- Hiện nay, pháp luật VN đang có sự vênh nhau giữa hệ thống đăng ký quốc gia và quốc tế:

+ Đơn nộp theo đường quốc tế: không có từ chối từng phần nhãn hiệu, chỉ từ chối từng phần sản phẩm/dịch vụ, nếu người nộp đơn không trả lời thì ĐKQT vẫn dữ được chấp nhận với phần sản phẩm/dịch vụ không bị từ chối.

+ Đơn nộp theo đường quốc gia: Bên cạnh từ chối đối với một phần sản phẩm/dịch vụ, có tồn tại từ chối từng phần nhãn hiệu: nếu người nộp đơn không trả lời và bổ sung mẫu NH mới thì Cục không xử lý được và do đó sẽ từ chối.

Thực tế xử lý của Cục hiện nay: Sau dự định từ chối mà người nộp đơn không trả lời thì Cục sẽ từ chối hết.

Khiếu nại sẽ không tiếp nhận đối với các yêu cầu liên quan đến việc đồng ý hay không đồng ý từ bỏ một số nội dung.

Khiếu nại chỉ tiếp nhận khi: Có cơ sở cho rằng từ chối là vi phạm pháp luật hoặc tranh luận giữa Cục và người nộp đơn khi người nộp đơn không đồng ý với quyết định của phòng thẩm định.

Ý kiến của Cục: Việc người nộp đơn không trả lời kết quả thẩm định nội dung của Cục thì sẽ không bị tước đi quyền khiếu nại.

*) Quy trình xử lý ý kiến người thứ ba

Thực tế: Có một số trường hợp khi nộp đơn phản đối cho Cục nhưng người nộp đơn không nhận được phản hồi gì, thậm chí đến khi ra kết quả thẩm định nội dung cũng không được phản hồi (không thông báo, không xem xét).

Theo quy định: 3 tháng sau khi đơn được nộp, người thứ 3 có quyền phản đối đơn. Sau khi Cục nhận được đơn phản đối, Cục sẽ chuyển cho chủ đơn yêu cầu phản hồi trong vòng 1 tháng và có thể gia hạn trả lời thêm 1 tháng.

Phản đối có 3 dạng:

+ Đối chứng của người thứ 3 cung cấp không tương tự với nhãn hiệu bị phản đối. Cục sẽ không chấp nhận.

+ Đối chứng của người thứ 3 cung cấp xét thấy đối chứng là đúng, Cục sẽ từ chối và chuyển công văn từ chối cho người thứ 3.

+ Đối chứng của người thứ 3 cung cấp không hiển nhiên trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn, phải có ý kiến trao đổi giữa 2 bên, Cục sẽ đưa ra kết luận cùng với thẩm định viên nội dung.

Ý kiến của Cục: Cục khẳng định xử lý ý kiến của người thứ 3 theo đúng quy định của Thông tư 16/2016.

*) Quy trình ghi nhận một nhãn hiệu vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng lưu trữ tại Cục SHTT.

Thực tế: một số nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng trong các thủ tục tranh chấp, tuy nhiên do thiếu quy trình ghi nhận và không có danh sách nhãn hiệu nổi tiếng nên việc chứng minh NH nổi tiếng cứ phải lặp đi lặp lại cho các vụ việc tương tự, mất nhiều thời gian.

Ý kiến của Cục: Hiện nay Cục chưa có danh bạ nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên việc ghi nhận của Cục chỉ để tham khảo chứ không có giá trị pháp lý, vụ việc nào cũng phải xem xét lại.

Thủ tục ghi nhận NHNT: Quy định mới đề ra tại Nghị định, chưa có Thông tư hướng dẫn nên Cục chưa thực hiện được. Cục sẽ xây dựng quy trình ghi nhận một nhãn hiệu vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng trong tương lai.

Đề xuất: Đối với từng vụ việc cụ thể: vẫn cần xem xét NHNT có hay không thể áp dụng, tuy nhiên việc công nhận tình trạng nổi tiếng cũng nên ghi nhận cho một thời hạn nhất định, ví dụ là 5 năm.

*) Sửa đổi phạm vi bảo hộ của Bằng độc quyền sáng chế.

Thực tế: Sửa đổi phạm vi bảo hộ của Bằng độc quyền sáng chế dưới dạng thu hẹp phạm vi bảo hộ (bỏ một số điểm độc lập hoặc đưa một số dấu hiệu mới vào)

Theo quy định: Bằng độc quyền sáng chế không được sửa đổi trong trường hợp:

+ Do công tác dịch thuật, hiệu đính bị sai thuật ngữ và muốn sửa thuật ngữ;

+ Trong quá trình thực hiện, sử dụng muốn sửa đổi, bổ sung yêu cầu bảo hộ.

Bằng độc quyền sáng chế chỉ có thể sửa đổi tên, địa chỉ hoặc từ bỏ một số điểm.

Việc thu hẹp phạm vi bảo hộ của Bằng độc quyền sáng chế không phải tiến hành thủ tục sửa văn bằng bảo hộ. Chủ VB có thể tuyên bố từ bỏ các điểm và khi người khác sử dụng các điểm thu hẹp thì không được phản đối.

*) Từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu chứa yếu tố tên địa danh.

Thực tế: Nhãn hiệu có chứa yếu tố địa danh bị từ chối với lý do lừa dối người tiêu dùng về nguốn gốc xuất xứ, bao gồm cả những địa danh mà người Việt Nam không biết đến, địa danh không nổi tiếng và không liên quan đến sản phẩm/dịch vụ đăng ký.

Cơ sở pháp lý: điều 73.5 và 74.2.d) Luật SHTT

Quy chế XN của Cục: Nhãn hiệu chứa yếu tố địa danh từ cấp huyện trở lên là từ chối.

Ý kiến của Cục: Việc xem xét từ chối NH mang yếu tố địa danh sẽ gắn liền với danh mục sản phẩm/dịch vụ gắn liền với nó và không gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ. Cục sẽ xem xét xử lý tùy vào các trường hợp cụ thể. Người nộp đơn có thể đưa ra các ý kiến trao đổi với Cục khi có lý do xác đáng.

Tin khác

Hội viên

  • viettien
  • src
  • vnpt
  • trapharco
  • Bảo việt
  • Tổng công ty 36
  • vingroup
  • Bkav
  • vinasoy
  • vedan
  • Rossi