Giới thiệu chung



Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (Vietnam Intellectual Property Association - VIPA) có tên gọi ban đầu là Hội Sở hữu Công nghiệp Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 08/2000/QĐ-BTCCBCP ngày 02/2/2000 của Bộ trưởng - Trưởng Ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ). Hội chính thức đổi tên thành Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam theo Quyết định số 116/2005/QĐ-BNV ngày 03/11/2005 của Bộ Nội vụ. Điều lệ Hội nhiệm kỳ III (2017-2022) được phê duyệt theo Quyết định số 1054/QĐ-BNV ngày 27/3/2017 của Bộ Nội vụ.

VIPA là tổ chức xã hội - nghề nghiệp phi chính phủ, hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trên phạm vi cả nước, là thành viên Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. VIPA chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và sự quản lý về ngành, lĩnh vực hoạt động của Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành khác có liên quan.

VIPA là tổ chức tự nguyện của các công dân, tổ chức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. VIPA được thành lập với mục đích tập hợp, đoàn kết Hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội viên, hỗ trợ nhau trong các hoạt động sở hữu trí tuệ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Trong hoạt động của nhiệm kỳ III, VIPA với nòng cốt là chi hội đại diện sở hữu trí tuệ đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước như: Cục sở hữu trí tuệ (NOIP), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Phần mềm (BSA), Hiệp hội Luật sư Sáng chế Nhật Bản (JPAA), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Hiệp hội Nhãn hiệu quốc tế (INTA), Hiệp hội Quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (AIPPI) tổ chức thành công nhiều Tọa đàm/Hội thảo liên quan đến sở hữu trí tuệ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh dành cho các cá nhân, tổ chức đại diện SHCN, doanh nghiệp trên khắp cả nước và đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

Ngoài ra, từ năm 2006 đến nay, dưới sự bảo trợ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Hội Truyền thông Việt Nam và các tổ chức khác có liên quan, VIPA đã tổ chức thành công các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hội viên như: Chương trình bình chọn Nhãn hiệu Cạnh tranh - Nhãn hiệu Nổi tiếng Việt Nam, Chương trình bình chọn Nhãn hiệu hàng đầu - Sản phẩm Vàng - Dịch vụ Vàng Việt Nam và đã được rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức quan tâm và công nhận.

Về quan hệ đối ngoại, VIPA đã thành lập các tổ chức chính thức để tham gia các hoạt động của Hiệp hội Luật sư Sáng chế Châu Á (APAA), Hiệp hội Sở hữu trí tuệ ASEAN (ASEAN IPA); Hiệp hội Quốc tế về bảo hộ sở hữu trí tuệ (AIPPI). Tháng 10 năm 2013 Hội đã phối hợp với APAA tổ chức thành công vượt bậc Hội nghị thường niên của APAA tại Hà Nội với gần 1.600 đại biểu từ hơn 70 nước tham dự, góp phần mở rộng quan hệ quốc tế với các nước trên thế giới.

Hiện nay, VIPA có hơn 1000 Hội viên, bao gồm các luật sư, cán bộ quản lý, chuyên gia về sở hữu trí tuệ, các nhà sáng chế, các văn phòng luật, các doanh nghiệp là chủ sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ.

Các đơn vị trực thuộc VIPA bao gồm:

Ban Chấp hành Hội;

Ban Thường vụ Hội;

Ban Kiểm tra Hội;

Văn phòng Hội;

Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo;

Ban Đào tạo;

Ban Phát triển hội viên;

Ban Thông tin – tuyên truyền, hỗ trợ hội viên;

Ban Đối ngoại;

Ban Phát triển nguồn lực tài chính;

Chi hội Đại diện sở hữu công nghiệp.

Nhiệm vụ của Hội:

- Tập hợp, đoàn kết, khuyến khích, giúp đỡ Hội viên đẩy mạnh các hoạt động sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, lý luận và thực tiễn về sở hữu trí tuệ của hội viên, góp phần xây dựng Hội phát triển vững mạnh.

- Đại diện cho Hội viên trong các hoạt động liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội vì lợi ích chung, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và sự lớn mạnh của Hội, Hội viên.

- Tham gia và kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước về chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Việt Nam và các vấn đề có liên quan đến sự phát triển và lĩnh vực hoạt động của Hội.

- Tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan đến sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật. Tham gia ý kiến với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện các chức năng có liên quan khác về sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.

- Cập nhật, tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng, hướng dẫn Hội viên tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ và Điều lệ, quy chế, quy định của Hội. Mở rộng các hoạt động thông tin, trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ và tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức về sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.

- Góp phần thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng sở hữu trí tuệ phục vụ sự nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp, hợp tác với các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật. Xây dựng và phát triển các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

- Hòa giải tranh chấp, giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong nội bộ của Hội, Hội viên theo quy định của pháp luật.

- Quản lý và sử dụng nguồn kinh phí của Hội để thực hiện các hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội. Khuyến khích, bồi dưỡng, hỗ trợ Hội viên trong học tập, nghiên cứu khoa học liên quan đến sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.

- Khen thưởng và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng cho hội viên có thành tích trong hoạt động của Hội, trong nghiên cứu, ứng dụng sở hữu trí tuệ.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Tin khác

Hội viên

  • viettien
  • src
  • vnpt
  • trapharco
  • Bảo việt
  • Tổng công ty 36
  • vingroup
  • Bkav
  • vinasoy
  • vedan
  • Rossi